[VNM – DLI] LĂNG NGUYỄN HỮU HÀO TẠI ĐÀ LẠT – BỊ LÃNG QUÊN HAY CÒN BÍ ẨN?

Giữa một Đà Lạt đông nghịt người, lăng Nguyễn Hữu Hào như tồn tại trong một thế giới riêng, thoáng đãng và tĩnh lặng. Đến mức, ngay cả những người dân dành trọn cuộc đời ở nơi này cũng rất ít ai biết đến lăng.

Tìm đến lăng Nguyễn Hữu Hào

Lăng Nguyễn Hữu Hào là nơi nghỉ ngơi của ông Nguyễn Hữu Hào và vợ – bà Lê Thị Bình. Họ là song thân của bà Agnès Nguyễn Hữu Hào và bà Mariette Jeannette Nguyễn Hữu Thị Lan. Không kém cạnh chị, bà Lan là người vẹn toàn, có sắc lẫn tài. Nhờ đó, bà nhanh chóng lọt vào mắt xanh của vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Ông Hào vốn là một đại điền chủ giàu có tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Sau đó, ông kết hôn cùng bà Bình, một trong những gia đình thịnh vượng nhất nhì thời đó. Với kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực kinh doanh khi học tại trường Tây, kết hợp với chí hướng làm giàu cùng sự hậu thuẫn từ phía nhà vợ, ông không ngừng mở rộng đồn điền, đất đai. Ban đầu là các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ. Sau là đến vùng Tây Nguyên và cụ thể là Đà Lạt.

Trót thương Đà Lạt từ ngày đặt chân đến, vợ chồng ông quyết định dừng chân tại nơi này. Từ khai phá vùng hoang, mua lại biệt thự cho đến xây dựng thêm mới. Ít ai biết rằng, Cung Nam Phương Hoàng Hậu nằm trên đường Hùng Vương cũng chính do ông tặng cho con gái.

Tọa lạc ở phía Tây Nam thành phố Đà Lạt, cách Cam Ly 150m, gần ngã ba đường Hoàng Văn Thụ và Vạn Thành, lăng nằm tách biệt trên một con đồi cao. Nơi đây được xem là “viên ngọc quý” trong giới nghiên cứu kiến trúc truyền thống. Bởi lẽ, các công trình ở Đà Lạt thường ảnh hưởng hoặc được xây theo phong cách phương Tây, đặc biệt là Pháp. Chỉ riêng lăng được dựng lên bởi những đường nét kiến trúc của người Việt, lấy ý tưởng từ hình ảnh hoa sen nở.

80 năm bền bỉ

Lăng được xây dựng trong suốt 4 năm và chính thức hoàn thiện vào năm 1941. Sử dụng đá làm vật liệu chính giúp tăng sự uy nghiêm, bề thế và chắc chắn cho nơi này. Không chỉ thế, rừng thông già bao quanh còn giúp thanh lọc không khí, tạo nên không gian thoáng đãng, trong lành.

Dừng dưới chân núi là cổng lăng gồm bốn trụ thẳng đứng. Trên đỉnh trụ sử dụng hình ảnh hoa sen và chó ngao cách điệu để chạm khắc. Còn ở phần thân là hai cặp câu đối của Nam Phương Hoàng Hậu kính gửi.

Để lên đến lăng, chỉ có một con đường duy nhất chính là vượt qua 158 bậc thang. Nghe có vẻ nhiều nhưng vì độ dốc thoai thoải nên rất dễ đi. Chưa kể, cứ tầm khoảng vài chục bậc lại có một chiếu nghỉ. Chỉ cần bước từng bước thật chậm, ngắm nhìn khung cảnh hai bên rợp đầy cây xanh bóng mát, chốc chốc đã bắt gặp tượng hai sư tử trấn giữ.

Cho đến hiện tại, lăng đã tồn tại được 80 năm. Tuy nhiên, do chưa được quan tâm và trùng tu theo định kỳ nên nơi này đang có dấu hiệu xuống cấp. Những phiến đá bị nứt dần, rêu phủ đầy trên từng cột hoa văn và cỏ cây um tùm bất chấp vị trí.

Chưa dừng lại ở đó, còn có vài tin đồn về việc an ninh, bảo tồn lăng. Không dưới một lần mọi người đồn đại có trộm vặt dỡ đá, cậy phá hay đào tung hòng tìm châu báu. Nhưng sau tất cả, dáng vẻ uy nghi, vững chãi vẫn không hề mai một.

Bí ẩn đến từ sự quên lãng

Chuyện về Nam Phương Hoàng Hậu đã làm tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Cho đến hiện tại, sự nổi tiếng của bà cùng chồng vẫn không hề thuyên giảm. Nhưng, về song thân của bà thì không. Hay nói cách khác, đến Đà Lạt, du khách chỉ biết đến sự tồn tại của Dinh I, Dinh II, Dinh III. Và vô tình làm lãng quên lăng mộ quận công Nguyễn Hữu Hào.

Chẳng biết từ khi nào, cái mùi hương đặc trưng và hơi ấm nồng của nén hương chẳng còn xuất hiện. Chỉ có đâu đó, mỗi ngày, có mấy chú tự nhận mình là bảo vệ, vẫn đều đều lo nhang đèn thờ tự. Và cũng đâu đó, vài hôm, những người tìm về lịch sử có dịp ghé thăm để sưởi ấm lại không khí trong lăng.

Tuy nhiên, sự quên lãng đôi khi không phải là xấu, nhất là trong trường hợp này. Chính như khung cảnh công trình ẩn hiện giữa lòng khu rừng, lăng Nguyễn Hữu Hào thật chất chỉ trở nên bí ẩn. Thay vì xô bồ, lăng lại kín tiếng hơn, chọn lọc hơn trong danh sách những du khách ghé thăm.

Bởi thế, nói đi cũng phải nói lại. Vì thuộc danh mục di tích văn hóa, lịch sử nên cần có những phương án, chính sách bảo tồn lăng cụ thể và phù hợp. Ai nấy đều lo lắng rằng những tác động ngoại lực sẽ dần bào mòn từng phiến đá. Chỉ mới 80 năm trôi qua nhưng các vết tích đã bắt đầu xuất hiện chính là một minh chứng.

Và với những ai say mê lịch sử, chắc chắn họ chỉ muốn giữ gìn nguyên bản. Bởi ngày mọi người quan tâm đến lăng nhiều hơn cũng là lúc khoảng không yên tĩnh bị phá vỡ.

Tóm tại, đã đến lúc cần quan tâm đến nơi an nghỉ của vợ chồng Quận Công Nguyễn Hữu Hào. Cụ thể là trùng tu, bảo dưỡng nhưng vẫn giữ lại những giá trị vốn có và hạn chế tối đa tác động từ kinh tế.

Đôi lời trước khi ghé đến lăng Nguyễn Hữu Hào

Đây là nơi an nghỉ, mang nhiều yếu tố tâm linh và lịch sử. Vì vậy, du khách khi viếng thăm cần lưu ý trang phục, tác phong và sử dụng hành vi phù hợp. Đơn cử như việc giữ gìn vệ sinh hay hạn chế cười đùa.

Hơn nữa, dẫu biết rằng không gian bí ẩn quanh lăng rất phù hợp cho các bức ảnh thời thượng. Tuy nhiên, du khách cũng cần để ý đến cách tạo dáng. Tránh biến nơi đây trở thành địa điểm chụp ảnh, làm mất vẻ uy nghi vốn có.

Và tất nhiên, sẽ thật tuyệt nếu mỗi du khách sau khi viếng đều hiểu thêm đôi phần về nơi này. Có thế, việc du lịch song hành, thúc đẩy sự phát triển của lịch sử mới trở nên có giá trị.

Nếu có dịp, hãy dành thời gian viếng thăm lăng để trải nghiệm không gian thiên nhiên giữa lòng thành phố, hiểu thêm về lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc và cũng như ghi nhớ công ơn của thế hệ cha ông.

Nita Travel (TH)

Thông tin trong bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau

Bài viết liên quan