Những câu chuyện chưa biết về Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn: Năm Tháng Tuổi Trẻ Tại Xứ B’lao:

Tháng 4 của những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi tí tách trên xứ B’lao hay được biết đến là Thành phố Bảo Lộc ngày nay, tại vùng đất nên thơ ấy đã từng có 1 chàng trai trẻ đặt chân đến, dành ba năm thanh xuân tuổi trẻ (1964 -1967) cho sự nghiệp “đưa đò”, đó là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và tháng 4 năm 2021, cũng chính là kỷ niệm 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ít ai biết rằng ngoài cuộc đời gắn bó với âm nhạc và đã để lại một di sản đồ sộ cho nền âm nhạc Việt Nam tân thời thì cố nhạc sĩ họ Trịnh còn là một người thầy, cống hiến hết sức mình cho nền giáo dục của Việt Nam đặc biệt là đối với trẻ em đồng bào trên vùng đất B’lao.

Sự nghiệp đưa đò đáng kính của nhạc sĩ họ Trịnh

Thuở ấy, Trịnh Công Sơn là thầy giáo tiểu học vừa tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn và đảm nhận chức giáo trưởng Trường sơ học Bảo An thuộc Ty tiểu học Lâm Ðồng. Khác với nhiều thanh niên trong độ tuổi chín của sự nghiệp, ông không chọn ở lại thành phố biển Quy Nhơn năng động mà lại trở thành thầy giáo tại miền núi rừng B’lao còn hoang sơ.

Ngôi trường sơ học ở B’Lao khi ấy chỉ có hai phòng học mái lợp tranh, vách nứa đứng chơ vơ trên một bãi đất trơ trụi. Phòng học không có cửa nên mây mù bay tràn vào lớp khiến không gian lớp học thêm mờ ảo. Gió vùng cao nguyên lạnh lẽo, lớp học chỉ có mấy mươi em, đa phần là người dân tộc.

Điều kiện dạy học khó khăn như thế, ấy mà người thầy họ Trịnh, sau này là một nhạc sĩ huyền thoại lại chấp nhận dấng thân, gắn bó ròng rã suốt ba năm (từ 1964 – 1967). Cho đến khi tình hình chiến sự ở phía Nam nước ta trở nên căng thẳng, Trịnh Công Sơn bất đắc dĩ phải rời B’lao thơ mộng êm đềm để trở vào Sài Gòn.

Những bức thư tình đầy lãng mạn từ xứ B’lao:

Khoảng thời gian dạy học tại đây, chàng nghệ sĩ họ Trịnh si tình đã viết hơn 300 lá thư gửi cho người con gái mình yêu ở Huế có tên là Ngô Vũ Dao Ánh. Đọc cuốn “Thư tình gửi một người” (NXB Trẻ – 2001) và các tư liệu thu thập được thấy rằng, lá thư đầu tiên từ B’Lao đề ngày 2-9-1964 với những dòng suy tư trầm mặc

Bức thư tình của Trịnh Công Sơn
Bức thư tình của Trịnh Công Sơn

“… Buổi chiều thật yên tĩnh. Anh đứng nhìn sự yên tĩnh đó rơi xuống từ một đầu cỏ, một con đường dốc, một nóc nhà rồi một thân anh. Hạnh phúc thật đơn sơ. …”. “… Anh đốt lên điếu thuốc buổi chiều để ngửi mùi hoa cỏ dấy lên từ những tờ thư ….”.

“Yêu xa” là một khái niệm chứa đầy những khó khăn, nỗi nhớ và cảm giác muốn được ở cạnh người yêu. Vùng đất sương mù kết hợp với tiết trời se lạnh ở xứ B’Lao càng tô thêm nỗi nhớ người yêu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngày nay, phương tiện liên lạc ngày càng tân tiến. Các đôi tình nhân dễ dàng tương tác từ xa nên nổi nhớ với đi phần nào. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời ấy đã gom góp nỗi nhớ người yêu từng ngày. Tâm tình này của chàng nghệ sĩ chỉ có thể viết nên qua những bức thư, những bài hát gửi đến người yêu phương xa.

Hình ảnh thơ mộng của B’lao hiện lên trong những bức thư tình

Trong số hơn 300 bức thư tình, ông cũng không quên mô tả vẻ đẹp mờ ảo của cao nguyên B’Lao. Hình ảnh của vùng đất hoang sơ nhưng đầy thơ mộng hiện ra với những buổi sáng sương trắng mơn man, những đồi chè man mát, ánh hoàng hôn buồn, những cơn mưa chiều như thác đổ ngoài trời, hương cà phê phản phất. Chàng nghệ sĩ lãng tử ấy đã bị cái đẹp của vùng đất B’lao này say đắm và biến cảm hứng đó trở thành những sáng tác để đời. Nhưng cho đến năm 1967, ông đã gửi lá thư cuối cùng và chấm dứt chuyện tình với Ánh cũng là lúc ông rời khỏi B’Lao trong sự tiếc nuối.

Những bản nhạc đầy cảm hứng từ vùng đất B’lao:

Những năm tháng ở Bảo Lộc hay còn được biết đến xứ B’lao thơ mộng, Trịnh Công Sơn đã sáng tác rất nhiều bài hát đi sâu vào trái tim của con người thời đại và còn có giá trị đến đời sau.

Có lẽ với vẻ hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng của xứ B’lao khi ấy đã chạm đến sâu bên nội tâm phong phú của Trịnh Công Sơn. Những bài hát trữ tình chất chứa nhiều nỗi niềm của chàng nhạc sĩ họ Trịnh cứ thế được ra đời trong giai đoạn như: Chiều một mình qua phố, Còn tuổi nào cho em, Tuổi đá buồn, Phúc âm buồn, Xin mặt trời ngủ yên, Cát bụi, Gọi tên bốn mùa, Lời buồn thánh, Tình nhớ, Lại gần với nhau, Ca Dao Mẹ…

“Chiều một mình qua phố”

là một trong những nhạc phẩm vẽ nên hình ảnh từng ngách phố B’lao thời ấy vào những buổi chiều mùa thu nên thơ.

“Chiều một mình qua phố
âm thầm nhớ nhớ tên em
Có khi nắng khuya chưa lên
Mà một loài hoa chợt tím
Chiều một mình qua phố
âm thầm nhớ nhớ tên em
Gót chân đôi khi đã mềm
Gọi buồn cho mình nhớ tên “.

Nhạc phẩm “Còn tuổi nào cho em” sống mãi với thời gian:

CÒN TUỔI NÀO CHO EM là ca khúc mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác vào năm 1964, khi đó ông mới 25 tuổi và bài hát này chính là dành tặng cho người con gái xứ Huế – Ngô Vũ Dao Ánh.

Bài hát ca ngợi vẻ đẹp của người con gái đang tuổi xuân thì vừa mới chớp nở:

Em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau 

Trời xanh trong mắt em sâu 

Mây xuống vây quanh giọt sầu 

Em xin tuổi nào 

Còn tuổi trời hư vô 

Bàn tay che dấu lệ nhòa

Hình ảnh người tình phương xa Dao Ánh qua những lời nhạc ngọt ngào của Trịnh Công Sơn thể hiện ra được vẻ ngây thơ và thuần khiết của cô gái ấy. Quả thật đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn: “Trời xanh trong mắt em sâu”, người đẹp Dao Ánh lúc này chỉ vừa gần chạm 16 tuổi với đôi mắt trong trẻo như bầu trời xanh thẳm. Lúc này Trịnh Công Sơn đang dạy ở B’Lao, Lâm Đồng, còn Ánh vẫn là cô nữ sinh đang theo học ở Huế, hoàn cảnh cách trở cộng với mảnh đất buồn tại B’lao đã khiến cho Trịnh Công Sơn càng da diết hơn nỗi nhớ về Ánh.

Còn tuổi nào cho em của Miu Lê

Nhạc phẩm bất hũ này của Trịnh Công Sơn đã trở lại mạnh mẽ khi là một trong những bản nhạc chính của bộ phim đình đám Em là bà nội của anh, và với giọng ca trẻ trung hiện đại  của ca sĩ trẻ Miu Lê, bài hát lại càng đến gần hơn đến công chúng, đặc biệt với thế hệ trẻ ngày nay. Khác hẳn với Khánh Ly, Miu Lê là cái buồn man mác, dễ lay động, nhẹ nhàng nhưng thấm sâu, và pha lẫn một chút tình cảm qua cái nhìn của người trẻ hiện đại. Mỗi một người ca sĩ thể hiện làm cho bài hát mang màu sắc khác nhau nhưng cũng đủ để diễn tả được vẻ đẹp của người con gái ngây thơ Dao Ánh và nỗi nhớ người yêu da diết của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn đã trở thành những di sản có giá trị tồn tại mãi theo thời gian trong nền âm nhạc Việt Nam. Đặc biệt, những sáng tác tại B’lao đã khắc hoạ lên hình ảnh một thành phố Bảo Lộc đầy thơ mộng. Nếu ta tìm đọc những lá thư hay nghe những bài nhạc mà Trịnh Công Sơn viết về B’lao, ta sẽ thấy được xứ B’lao trước kia từng nên thơ và tự nhiên đến nhường nào.

Nguồn: Sưu tầm

Bài viết liên quan