[VNM – DLI] TỤC CƯỚI HỎI CỦA NGƯỜI K’HO VÙNG CAO NGUYÊN

Có tục bắt vợ thì cũng có tục bắt chồng. Đó là những gì đã diễn ra trong tục cưới hỏi của người K’Ho. Khoan bàn đến đúng sai vì hình như trong câu chuyện này, ai cũng là người thiệt thòi khi nhìn theo khía cạnh của chính họ.

Nghe kể chuyện tục cưới hỏi của người K’Ho

Tục cưới hỏi của người K’Ho được đánh giá là tương đối phức tạp đối với những ai lần đầu tìm hiểu về phong tục, tập quán dân tộc. Chưa kể, tùy theo từng vùng như Hàm Thuận Bắc, Lạc Dương, Di Linh hay Đức Trọng… mà hôn nhân còn có nhiều sự khác biệt.

Đầu tiên là “bắt chồng”

Người K’Ho trước đây sống theo chế độ mẫu hệ và không khắt khe trong việc yêu đương. Có khi chỉ mới 14 hay 15 tuổi, đám cưới đã được diễn ra.

Khi người con gái tìm được ý trung nhân, cô giữ một món đồ từ chàng trai và báo cho cha mẹ cùng cậu ruột hay. Nhà gái sẽ chuẩn bị sinh lễ để sang thưa chuyện xin “bắt chồng”. Lúc này, một cuộc đấu trí thách cưới giữa hai bên sẽ nảy ra. Nhà trai có toàn quyền trong việc yêu cầu sính lễ sao cho “xứng đáng” với mong muốn của họ nhất. Có thể là trâu, bò, heo, chiêng, chóe, rượu cần, váy khố, nhẫn bạc, vòng… Rẻ thì vài triệu, đắt thì vài trăm triệu. Cũng có khi, nhà gái phải bán hết tài sản và vay mượn để đáp ứng nguyện vọng từ nhà trai.

Từ dạm hỏi cho đến thách cưới, người K’Ho không quan trọng ngày lành tháng tốt mà chỉ ấn định theo một khoảng thời gian. Bởi lẽ, họ ưu tiên công việc lao động sản xuất hơn cả. Thông thường, lễ bắt chồng diễn ra sau 17 giờ, khi công việc ở nương rẫy đã hoàn thành, gia đình ai nấy đều đã ngơi tay. Và họ cũng tin rằng ban đêm là lúc thần linh chứng kiến, dễ dàng tác hợp cho đôi trẻ.

Không phải ai cũng thành

Đôi lúc, lễ thách cưới kết thúc với một kết cục không mấy tốt đẹp bởi nhiều lý do. Có thể do chi phí sính lễ quá cao hoặc chàng trai không muốn nên duyên cùng cô gái… Nhà trai buộc phải bồi thường tổn hại danh dự cho những cô nàng K’Ho bằng tiền hoặc sản vật, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Như lẽ thường, mọi việc đã dừng lại ở đó. Song, với người K’Ho, câu chuyện vẫn còn tiếp diễn. Nếu chưa chịu cưới, nhà gái sẽ quay lại vào lần sau. Chuyện bắt chồng kéo dài tận 2-3 tháng trời, vốn đã chẳng còn xa lạ đối với họ!

Đồng thời, trong suốt thời gian này, chàng trai không được để ý đến bất kỳ ai khác. Và cũng chẳng có nhà gái nào được đặt vấn đề hỏi cưới với họ. Cho đến khi… cô gái quyết định thôi.

Cũng có trường hợp đôi bên đã có ý với nhau nhưng chàng trai lại một mực từ chối cưới. Lúc này, không chỉ chàng trai mà cả gia đình đều bị buôn làng phạt nặng. Nhẹ nhất là một con trâu, nếu không cả gia đình nhà trai đều sẽ bị coi thường và tất nhiên, cũng chẳng có ai trong làng muốn lập gia đình cùng chàng trai ấy.

Ý nghĩa ngày đám cưới

Trước khi diễn ra lễ cưới, người con gái sẽ đến nhà trai làm dâu trong một thời gian. Tùy vùng, tùy thỏa thuận mà kéo dài từ 1-10 năm.

Vào ngày cưới, ông cậu của hai gia đình sẽ trở thành người chủ trì. Suốt 4 ngày 4 đêm chia đều cho hai nhà, tất cả chi phí cử hành hôn lễ đều cho nhà gái gánh chịu. Ở một số vùng, đám cưới có phần phức tạp hơn vì họ phải trải qua hai lần đám cưới, gọi nôm na là nhỏ và lớn.

Nếu đám cưới nhỏ là bước đầu trong việc xác lập mối quan hệ thì đám cưới lớn mang ý nghĩa khẳng định mối quan hệ. Chỉ khi nào nhà gái hoàn tất những nợ nần trong sính lễ như đã thỏa thuận, đám cưới lớn mới được diễn ra. Còn không, cả bà con trong làng lẫn thần linh đều không công nhận mối quan hệ vợ chồng này. Khi họ dựng vợ gả chồng cho con cái hay mất đi, các thủ tục cũng trở nên rườm rà hơn. Mà hơn hết, nhà gái bị xem như chưa có cách ứng xử phù hợp với nhà trai và với phong tục, tập quán của người K’Ho.

May thay, không có hạn định đề ra cho ngày tổ chức đám cưới lớn. Đôi khi họ sinh con đẻ cái rồi mới bắt đầu đám cưới. Nhưng tuyệt nhiên, làm gì thì làm, có trễ đến đâu cũng phải tổ chức. Vì vậy, ngày đám cưới với người K’Ho mang nhiều ý nghĩa hơn việc chỉ tụ họp chúc mừng. Đây là khoảnh khắc gánh nặng nợ nần sính lễ được gỡ xuống. Từ giây phút này, cuộc sống gia đình sẽ chỉ còn những ngày tháng hạnh phúc.

Tục cưới hỏi của người K’Ho có lạc hậu?

Tục lệ “bắt chồng” đã diễn ra rất nhiều năm, qua nhiều thế hệ. Vì vậy, so với việc đánh giá phong tục này có lạc hậu hay không, quan trọng hơn chính là những khía cạnh trong tục lệ.

Đại gia đình cùng cưới

Chuyện cưới xin không phải là chuyện của hai người. Bởi lẽ, chi phí sính lễ thường khá cao, cả gia đình buộc phải cùng chia nhau ra gánh nợ. Nhất là gia đình nhiều con gái, cứ nợ đẻ lãi, trả mãi không hết. Cũng có câu chuyện, gia đình 4 chị em gái, sau khi 3 chị kết hôn, mẹ và út làm lụng vất vả để trả đến mức người con út chẳng còn thiết tha cưới xin. Chính vì vậy mọi người mới bảo “cả gia đình cùng cưới”.

Còn về phía nhà trai, mỗi lần chàng trai không chịu cưới, cả gia đình phải tiêu tốn một khoảng tiền không nhỏ. Thiệt hại về tài chính một phần, họ còn thiệt hại về thời gian. Rõ ràng, suy cho cùng, ai cũng muốn kết thúc bằng một tổ ấm, có ai muốn “cưới hụt” lần này đến lần khác hoài đâu?

Ngoài ra, cũng còn một cách hiểu khác về cụm từ này. Người K’Ho có thể sống với nhau kể từ lúc hoàn tất lễ bắt chồng. Họ bắt đầu gầy dựng tổ ấm, sinh con đẻ cái. Rồi đến ngày diễn ra đám cưới lớn, ông bà cha mẹ cùng con cái đều đến dự, ấy cũng là “đại gia đình cùng cưới”.

Ai cũng có cái lý riêng

Thật ra, tục thách cưới ra đời cũng có lý do. Gả con trai đi đồng nghĩa với việc nhà mất đi một người con, một lao động. Do đó, gia đình có quyền đòi hỏi “đền bù” xứng đáng. Chàng trai nào càng giỏi giang, càng khéo léo sẽ càng được “bắt” với mức giá cao. Nhưng trên tất cả, họ coi sính lễ như cách thể hiện sự tôn trọng đến từ nhà gái.

Có nhiều người thường bảo đùa rằng: “Sính lễ nhiều để chúng nó không bỏ nhau”. Mà đúng là tỷ lệ người K’Ho ly hôn nhau ít thật. Dù có khổ, có cực, vợ chồng vẫn cố gắng làm lụng, nương tựa nhau. Chẳng ai biết rốt cuộc do tình nghĩa hay do các chàng trai sợ phải trả lại toàn bộ lễ vật khi ly hôn…

Luật lệ nào cũng có ngoại lệ, tục cưới hỏi của người K’Ho cũng thế. Tục lệ có nhiều cũng chỉ để thử thách tình cảm của hai bên. Một số gia đình, họ chỉ chuẩn bị sính lễ sao cho đơn giản nhất, để cả hai bớt khổ. Hoặc họ chọn cách sống chung như vợ chồng, san sẻ nắng mưa mà chẳng màng cưới sinh. Miễn sao sống với nhau, hạnh phúc, đầm ấm, trọn vẹn nghĩa tình, vậy là đủ.

Đã qua rồi cái thời hôn nhân thách cưới!

Hiện tại, tập tục này đã không còn duy trì. Bởi lẽ, không chỉ ảnh hưởng vợ chồng, gia đình mà còn con cái. Việc bắt chồng thường diễn ra khi họ tương đối trẻ, chưa có nhiều hiểu biết về hôn nhân gia đình. Dẫn đến tỷ lệ đến trường thấp, thiếu dinh dưỡng, không có giấy khai sinh…

Sau quá trình dài thuyết phục, vận động, mọi người trong buôn làng đã hiểu ra những gánh nặng cho bản thân lẫn các thế hệ sau này. Vì vậy, các chàng trai, cô gái ngày nay tìm hiểu và đến nhau một cách tự nhiên. Đám cưới diễn ra đơn giản, hiện đại hơn. Ngay cả độ tuổi kết hôn, số lượng con cũng đã có nhiều tiến bộ, căn cứ theo Luật Hôn Nhân và Gia Đình do Chính Phủ quy định.

Có rất nhiều câu chuyện xoay quanh tục bắt chồng của người K’Ho. Sẽ thật tuyệt nếu bạn có cơ hội gặp gỡ họ, ngồi lắng nghe, chia sẻ và hiểu hơn về dân tộc mình.

Nita Travel (TH)

Thông tin trong bài viết được tổng hợp từ Báo Bình Thuận, Báo Lâm Đồng, Tạp chí điện tử Người đưa tin Pháp luật và Phununet

Bài viết liên quan